Nỗi buồn Diệc Cổ Tùng lâm

Kể từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, ngôi cổ tự một thời từng là niềm tự hào của người dân thành Vinh này, đã chưa được đánh giá và bảo quản đúng theo giá trị của nó, hiện chỉ còn lại tam quan cùng hai tấm bia đá đang ngày đêm chống chọi với mưa nắng và bị một số người lấn chiếm đất chùa để ở, kinh doanh...
CHÙA DIỆC FA.JPG

Chùa Diệc là trung tâm văn hoá - tín ngưỡng của thành Vinh (Nghệ An) nhiều giai đoạn trước đây.
Chùa Diệc hay Diệc Cổ tự, tọa lạc trên quốc lộ 1A, ở km 462+500, ở số 49 đường Quang Trung, phường Quang Trung, thuộc trung tâm thành phố Vinh.

Được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc đã trở thành trung tâm văn hóa - tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ.

Tuy nhiên, kể từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, ngôi cổ tự một thời từng là niềm tự hào của người dân thành Vinh này, đã chưa được đánh giá và bảo quản đúng theo giá trị của nó, hiện chỉ còn lại tam quan cùng hai tấm bia đá đang ngày đêm chống chọi với mưa nắng và bị một số người lấn chiếm đất chùa để ở, kinh doanh...
Tam quan chùa Diệc trơ trọi và hư hoại như thế này.

Dấu tích "Sắc tứ Diệc Cổ tùng lâm"

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa dưới thời nhà Trần, khu vực chùa Diệc hiện nay chỉ là đồng ruộng có nhiều ao chuôm. Có một năm trời làm hạn kéo dài, ao chuôm khô sạch, dân không có nước tưới. Một hôm người ta thấy đàn chim Diệc từ đâu bay về đây và nằm chết la liệt, mọi người kéo ra xem thì trời bắt đầu đổ mưa to. Họ bảo nhau rằng những con Diệc này do trời phái xuống để giúp dân làm mưa, bèn nhặt xác Diệc lại và đắp thành một gò nhỏ. Ban đêm người ta lại thấy hàng trăm con Diệc bay lên trời... Từ đó người dân dựng lên nơi đây một ngôi chùa bằng tranh và đặt tên là chùa Diệc.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt khi tôi đến thăm là tam quan chùa rất lớn, lấy núi Hồng Lĩnh làm tiền án và sông Lam làm minh đường, theo thế tọa Càn hướng Tốn. Tam quan cao ước chừng 10 mét, gồm 3 tầng, được xây bằng gạch và xi măng có khảm sành, với lối kiến trúc đặc thù của vùng Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh vào đầu thế kỷ XX, có sự dung hòa giữa hai nền kiến trúc của miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Thoạt nhìn tam quan chùa, du khách đã dễ dàng nhận ra tổng thể kiến trúc chùa Diệc ngày trước rộng lớn như thế nào, có thể nói là nhất nhì ở xứ Nghệ An này.

Tuy nhiên, tam quan đã lộ vẻ tiêu điều, xơ xác khi bên ngoài thì cây cối ngang nhiên mọc phủ gần kín cả tầng trên, nhiều mảng vôi vửa nứt nẻ rơi rớt; bên trong nơi thờ tự thì pho tượng Phật và tượng của hai vị thần khác ở tầng giữa đã không còn nguyên vẹn. Tượng Phật bị vỡ phần hông và tượng hai vị thần thì bị gãy tay, thủng mắt; người ta đã lấy dây buộc các pho tượng vào cùng với phần đế, sợ mưa gió làm đổ.

Các pho tượng được tôn trí trong tam quan

Chung quanh thành tam quan đều có các bức hoành, câu đối, nhưng trải qua lâu ngày, bị gió mưa làm xói lở và cây cối che phủ nên phần nhiều chữ không đọc được. Chỉ có biển hiệu chùa “Diệc Cổ Tùng Lâm” ở phía trước tầng dưới và bức hoành “Cổ Phật Thị Hiện” bằng chữ Hán ở tầng giữa là còn rõ nét.

Sau tam quan là một tấm bia bằng đá và căn nhà nhỏ được xây bằng xi măng, bên trong có thờ Phật. Nguyên trước nơi đây là tòa thiêu hương. Sau khi ngôi chính điện chùa bị bom đạn làm đổ nát, người dân đã dùng tạm nơi này để thờ Phật. Bên phải là một khoảnh sân chật hẹp vừa đủ để các Phật tử dùng bạt che mưa che nắng tạm thời cho việc hành lễ. Bên trái có tường thành bao bọc để ngăn cách nhà hàng và để gìn giữ một tấm bia đá khác nằm ẩn bên trong một gốc cây.

Điều may mắn cho giới nghiên cứu sử Phật giáo Nghệ An chính là hai tấm bia đá này – văn bản quan trọng còn lại. Chúng có kích cỡ gần bằng nhau, cao chừng hai mét, rộng 1 mét, đều có hoa văn rất đẹp. Tấm bia dựng ở bên phải tam quan, được khắc cả hai mặt bằng chữ Hán chân phương, lòng bia bị che mất khoảng một phân. Mặt trước, có tiêu đề “Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký”, nội dung chép việc chùa được hai lần trùng tu.

Bia "Kỷ niệm công đức các vị xây dựng chùa" (Kỷ niệm chư công đức bi ký"

Đặc biệt, văn bia đã ghi rõ sau lần trùng tu năm Canh Ngọ (1930), chùa có điện Phật, lầu chuông, gác khánh; có pháp tượng, đồ thờ, nhà tổ 7 gian; có gác tam quan, trước hồ sau giếng, tường thành bao quanh, cỏ cây tươi tốt, tạo thành một cảnh quan lớn của đất nước, khiến du khách cứ ngỡ là cảnh Tây Thiên Cực Lạc, chùa Vàng chốn Đế đô!

Mặt sau, “Kỷ niệm chư công đức bi ký”, bị đục mất một số chữ, nội dung chép những người có công đóng góp trong việc xây dựng chùa; và cho biết đất chùa bao gồm 1 mẫu 7 sào và ruộng chùa do các Phật tử cúng vào việc hương hỏa và kỵ giỗ, tổng cộng 9 mẫu 5 sào 1 thước. Văn bia cũng đã chỉ rõ ruộng do ai cúng, cúng bao nhiêu và vị trí của các thửa ruộng ấy.

Tấm bia thứ hai “Trùng tu Diệc Cổ tự bi ký” nằm trong một góc tường tối om, chúng tôi phải dùng đèn pin rọi mới đọc được. Đáng tiếc là do bị tường thành ngăn cách, tôi đã không thể chụp rõ hình tấm bia này như ý muốn. Bia được khắc một mặt, lòng bia bị đất vùi lấp khoảng 30 cm và bị đục mất vài chữ không thể nhận dạng. Lạc khoản đề ngày rằm tháng giêng năm Giáp Dần, Duy Tân thứ 8 (1914).

Bia ghi việc trùng tu chùa Diệc Cổ (Trùng tu Diệc Cổ tự bi ký)

Cả hai tấm bia đều cho biết những người đứng ra cúng tiền trong hai lần trùng tu chùa năm 1914 và 1930 phần lớn là những vị quan đứng đầu triều đương thời như: An sát sứ Hoàng Xuân Sinh; Tri phủ phủ Diễn Châu Nguyễn Khánh Vân; Phụ chính thân thần Tôn Thất Tướng Công…

Hôm đến chùa Diệc nhằm ngày vía Phật, tôi được bác Lê Thị Thí, một cụ già tạc 70 tuổi ở phường Quang Trung, cho biết: “Hôm nay ngày Rằm, bà con chúng tôi đến đây lễ Phật. Nhưng cơn bão số 5 vừa qua đã làm rách tấm bạt che mưa nắng, cây cối gãy đổ ngổn ngang, chúng tôi phải dựng lại và quét dọn cho thật đàng hoàng rồi sau đó mới lễ Phật”.

Gia đình bác Thí vốn có truyền thống theo Phật từ lâu đời. Thuở bác còn nhỏ, chùa còn rất khang trang. Mỗi tháng hai kỳ bác đều theo thân sinh đến đây lễ Phật. Kể cả sau thời chiến tranh chống Mỹ, chùa mất rồi, bác vẫn giữ nếp nhà ấy.

Tôi được bác dẫn đi quan sát và chỉ cho biết vị trí tọa lạc của từng sở nhà một ngày trước: từ chính điện chùa, tòa thiêu hương, nhà tổ, nhà khách, nhà trai, giếng nước, hồ chùa… “Vào thập niên 1950, chùa Diệc là trụ sở hành chính của Hội Phật giáo Liên Hiệp Liên Khu IV mà Hòa thượng Thích Tịnh Minh, Trụ trì chùa là Hội phó.

Ngày trước, bố tôi là người rất giỏi chữ Hán, thường đến đàm đạo với Hòa thượng. Tôi thường theo bố tôi đến chùa lễ Phật. Ông ấy đã chép vắn tắt những sự kiện trên văn bia rồi đọc cho cả nhà nghe. Thỉnh thoảng ông lại nói về tiểu sử chùa như là một niềm tự hào”, Bác nói.

Theo lời các Phật tử cao niên, ngày trước dưới thời Pháp thuộc, trong các phong trào Cần Vương, Xô Viết - Nghệ Tĩnh, chùa Diệc đã từng là điểm liên lạc bí mật của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đội Cung… cùng với rất nhiều anh hùng chiến sĩ cách mạng khác. Chính lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh của học sinh trường Quốc học Vinh đã diễn ra tại ngôi chùa này.

Đặc biệt, Cụ Lê Thước, người thi đỗ giải nguyên kì thi Hương cuối cùng ở trường Nghệ năm 1918, sáng lập Hội Hàn lâm Nghệ An, đã phát hiện ra bản gốc văn Chiêu Hồn (văn Tế Thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc vào năm 1926.

Đâu rồi bóng dáng chùa Diệc huy hoàng?

Diện tích đất chùa Diệc hiện nay ước chừng 1.000m2, nhưng phần lớn đều đã được một số người “mượn” để xây khách sạn, mở nhà hàng, quán bia hơi và quán ăn, phá tan cảnh quang của ngôi chùa, là không gian tâm linh của người thành Vinh, xứ Nghệ.

Đất chùa bị lấn chiếm làm nhà hàng và xây khách sạn

Nhìn tấm biển "Cổng chùa Diệc – đây là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Di tích đã được xếp hạng, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ, không được xâm phạm di tích" được trích từ Quyết định 294/QĐUB của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Vinh treo trước tam quan, và nhìn cổng ra vào khách sạn Thanh Lịch chườm ra phía trước, nhiều Phật tử và du khách đã rất xúc động.

Bác Ngô Ngọc Tú, một Phật tử bày tỏ tâm sự: “Ngôi chùa Diệc có vai trò lớn lao là thế, có bề dày lịch sử là thế, chỉ mỗi tấm biển này thì chưa đủ để ngăn chặn người dân xâm hại và lấn chiếm đất. Ngôi chùa này một thời đã là niềm tự hào của người dân Nghệ An. Mỗi lần đi qua đây, thấy cảnh nhà hàng, khách sạn, quán ăn… dưới danh nghĩa “thuê đất” ngang nhiên lấn chiếm đất chùa, chúng tôi rất đau lòng.

Chúng tôi đã nhiều lần gửi thư kiến nghị các cấp Chính quyền cần có sự quan tâm và cho xây dựng lại ngôi chùa Diệc, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta hội nhập với thế giới, việc bảo tồn và phục hưng những ngôi cổ tự để giữ gìn nội lực cho dân tộc là rất cần thiết.

Mong sao Giáo hội và Nhà nước có sự đánh giá đúng mức và quan tâm hơn nữa đối với ngôi cổ tự này. Trong tình hình đạo đức ngày càng xuống cấp, chúng tôi luôn mong mỏi chùa Diệc được tái xây dựng và có chư Tăng trông coi, chấn chỉnh, để giới trẻ có chỗ trở về tu tâm dưỡng tính và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Rời Nghệ An trở về thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến tàu Bắc-Nam, những hình ảnh về chùa Diệc Cổ với huyền thoại đàn Diệc bay về báo hiệu cơn mưa, những dư âm từ lời văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du và nỗi lòng mong mỏi của các Phật tử thành Vinh cứ mãi còn vương vấn trong tôi cho đến tận hôm nay. Bao giờ ước mong chính đáng ấy của các Phật tử thành Vinh trở thành hiện thực? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ...



Người dân thành Vinh đứng nhìn xót xa trước ngôi chùa Diệc Cổ bị lãng quên

Phan Ngọc Thiện (2008)

Theo https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=37D619
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

THÔNG BÁO

Thông báo: Ghi danh Khóa tu lần thứ 12

Thông báo!! V/v Tổ chức khoá tu dành cho tuổi trẻ lần thứ 12 Nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ Vu Lan 2018, chào mừng Mùa Hiếu Hạnh...

Bài đăng mới nhất