Kính thưa đại chúng. Trong đời sống hàng ngày chúng ta có nhiều lo lắng, nhiều mối quan tâm như làm sao để có công ăn việc làm, làm sao để có nhà, có xe, có lương, tiền đủ để cho con đi học, làm sao để khỏi bị bệnh tật... Những quan tâm đó gọi là quan tâm thường nhật (daily concerns). Những quan tâm thường nhật đó có thể lấy hết thì giờ của chúng ta, không cho chúng ta thì giờ để tu học. Lo làm ăn, lo có đồng vào đồng ra, lo có những tiện nghi về vật chất... Nó có thể làm mất hết thì giờ của mình. Các con của mình còn nhỏ nên chúng nó không cần phải lo. Chúng ta là bố mẹ nên phải lo những quan tâm thường nhật (daily concerns). Và có thể những quan tâm thường nhật đó làm cho mình hết thì giờ nên mình không có cơ hội thực hiện những ước vọng sâu sắc nhất.
Ngoài ra mình còn đi tìm những tiện nghi khác ngoài tiện nghi vật chất. Mình đi tìm những tiện nghi tình cảm. Là con người chúng ta cần tình cảm, chúng ta cần tình thương. Nếu mình có khó khăn về truyền thông với chồng của mình, hay vợ của mình, hay con của mình thì mình không có hạnh phúc. Hai vợ chồng không nói chuyện được với nhau; hai cha con không nói chuyện được với nhau. Và chúng ta khổ. Chúng ta thiếu những tiện nghi về tình cảm. Nếu không có hạnh phúc trong gia đình thì mình đi tìm kiếm những tiện nghi tình cảm ở ngoài. Mình vướng vào người này, mình vướng vào người khác và làm cho gia đình của mình càng ngày càng khó khăn, càng lục đục. Do đó cho nên sự đi tìm những tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm làm hết thì giờ của mình.
Không có lý mục đích của cuộc đời mình chỉ là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm hay sao? Mình muốn làm gì với đời sống của mình? Với đời sống này mình có muốn thực hiện một chí nguyện nào hay không? Có khi nào quý vị có thì giờ ngồi lại và hỏi: “À, mình có ước mong gì sâu sắc hơn, cao siêu hơn là chuyện kiếm sống và đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm không?” Đó gọi là mối quan tâm tối hậu (ultimate concern). Có khi nào quý vị ngồi với bố mình và nói chuyện với bố: “Bố ơi, trong cuộc đời của bố, bố có ước mơ gì muốn thực hiện hay không. Nếu bố chưa thực hiện được thì bố có muốn con thực hiện giùm cho bố hay không?” Quý vị đã có cơ hội đó chưa? Nếu mình cứ đi kiếm những tiện nghi vật chất và tình cảm thì làm gì có thì giờ để nghĩ tới những quan tâm tối hậu đó.
Hay quý vị chỉ nói chuyện về tiền bạc, về tiện nghi vật chất mà thôi? Nói những câu chuyện như vậy tức là mình đã vượt khỏi cái vòng của tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm. Hai cha con có thể nói chuyện với nhau, có thể nói về những ước mơ sâu sắc nhất của một đời người. Có khi nào quý vị ngồi với mẹ để nói chuyện như vậy không? Mẹ mình suốt đời bận rộn lo cho chồng, lo cho con. Mẹ mình từ khi còn trẻ chắc cũng có một ước mơ nào đó chứ? Không có lý suốt đời chỉ đi tìm kiếm những tiện nghi về vật chất và về tình cảm thôi sao? Có khi nào quý vị ngồi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có ước mơ nào mà mẹ chưa thực hiện được không? Mẹ có muốn con thực hiện giùm cho mẹ không?” Khi hai mẹ con nói được chuyện đó thì mình sẽ có tương lai và giống nòi sẽ có tương lai. Cuộc sống của mình không lẽ chỉ là để đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm.
Trên đời có những người gọi là đại nhân. Đại nhân không phải là những người to lớn mà là những người có chí nguyện. Họ có ước mong lớn và họ thực hiện được ước mong đó. Hoặc có thể là họ thực hiện được một phần ước mong đó và họ muốn con cháu của họ tiếp tục thực hiện ước mong đó cho họ. Quý vị là một cặp vợ chồng đang sống chung với nhau. Quý vị có một đứa con hoặc hai đứa con. Có khi nào quý vị ngồi với nhau để nói rằng: "cuộc đời của mình có phải chỉ là sanh ra vài đứa con rồi thôi sao? Anh có chí nguyện nào, anh có ước mơ nào muốn thực hiện hay không? Em có ước mơ nào muốn thực hiện với đời sống bây giờ hay không?”.
Nếu hai vợ chồng không có thì giờ để nói những chuyện đó thì rất uổng. Không có lý đời mình chỉ để đi tìm kiếm những tiện nghi vật chất và tình cảm mà thôi? Khi hai vợ chồng chia sẻ với nhau về điều đó thì hai người trở thành đồng chí của nhau và hạnh phúc lứa đôi sẽ tăng lên rất nhiều. Khi chúng ta mới cưới nhau thì tình yêu rất đẹp. Chúng ta nghĩ rằng không có nhau thì chúng ta không sống nổi. Nhưng tình yêu cũng giống như bất cứ một sinh vật nào, nó cũng cần phải có thực phẩm. Tình yêu của mình dẫu cho có đẹp cách mấy đi nữa mà mình không biết cách nuôi dưỡng thì nó cũng chết. Nó biến thành một cái khác. Nó biến thành sự chán nản, thành sự giận hờn.
Cũng giống như bông hoa. Nếu mình không nuôi dưỡng, không cho hoa uống nước thì hoa sẽ biến thành rác. Tình yêu cũng vậy. Tình yêu mà không biết nuôi dưỡng thì chỉ trong vòng vài năm là tình yêu ấy trở nên ốm o, gầy mòn và bắt đầu chết. Đức Thế Tôn có dạy rằng không có gì có thể sống sót được nếu không có thực phẩm (Nothing can survive without food). Đức Thế Tôn dạy như vậy. Quý vị đã học cách nuôi tình yêu chưa? Hay là sống với nhau vài năm thì chán nhau và đi tìm những cái mới để rồi gây ra sự chào xáo trong gia đình.
Đứa con của mình khi mới sinh ra rất xinh, rất đẹp. Nó cũng là đối tượng của tình yêu. Nếu mình không biết cách nuôi tình yêu thì sau này mình sẽ ghét, sẽ từ đứa con của mình. Mình sẽ thấy rằng nó không phải là con của mình. Cho nên mình phải học cách nuôi tình yêu giữa mình với người mình yêu. Phải biết làm thế nào để trao truyền cho con hạnh phúc, trí tuệ, kinh nghiệm của mình để đứa con sẽ trở thành sự tiếp nối của mình về phương diện hình hài và lý tưởng. Mình muốn con mình thực hiện được lý tưởng của mình.
Đi qua cầu hiểu tới cầu thương
Một hôm có một nữ ký giả của tờ báo Elle ở Paris về phỏng vấn các sư cô. Tờ báo Elle là một tờ báo phụ nữ của người Pháp dành cho quý bà. Các sư cô ở Xóm Mới đã mời ký giả ở lại bảy ngày để cùng thực tập với đại chúng. Nếu chỉ có phỏng vấn thì bài viết sẽ không hay. Phải thực tập mới biết được. Vị nữ ký giả đó ở lại 6 ngày thì tôi tới thăm để giảng cho các sư cô. Nhân tiện đó, bà ấy cũng muốn phỏng vấn tôi. Tôi nói: “Tức cười quá! Tờ báo của quý vị là tờ báo phụ nữ mà sao muốn phỏng vấn đàn ông?” Nhưng rốt cuộc thì tôi cũng cho họ phỏng vấn và tôi nói như thế này: “Bà về bà viết như thế nào mà giúp người ta chuyển hóa được mới hay. Chỉ viết lý thuyết thì không hay lắm”.
Tôi đã đề nghị cho bà một phương pháp thực tập. Tôi nói rằng nếu bà viết được phương pháp thực tập này bà sẽ giúp được nhiều cặp vợ chồng không có hạnh phúc. Tôi đưa ra đề nghị là bà hãy viết như thế này: chiều nay, sau khi ăn cơm chiều và dọn dẹp xong thì bà đi vào trong phòng khách với ông. Cố nhiên là sau khi ăn cơm chiều xong thì ông đi vào phòng khách và coi ti vi. Khi đã dọn dẹp xong thì bà đi theo ông vào phòng khách. Khi rửa bát, khi dọn dẹp trong bếp thì bà phải thực tập hơi thở “Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười” và làm lắng dịu nỗi khổ niềm đau của mình xuống. Khi đi vào trong phòng khách, bà ngồi xuống. Bà vẫn tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, thở cho đến khi nào bà thấy thoải mái, lắng dịu rồi thì bà mới ngẩng lên và nói với ông câu này: “Anh ơi, anh có thể tắt máy truyền hình được không? Em có chuyện quan trọng muốn nói với anh.”
Khi nghe bà nói câu như vậy thì ông sẽ ngạc nhiên:"Không biết sắp gây cái gì đây?" Ông ngán lắm nhưng bắt buộc ông phải làm. Ông sẽ tắt máy truyền hình rồi ông xoay lại sẵn sàng để đối chiến. Vẫn giữ một nụ cười, bà nói: “Anh ơi, tại sao mình có đủ hết: có nhà, có xe, có công ăn việc làm, có trương mục tiết kiệm, mà mình vẫn không có hạnh phúc? Anh thử nghĩ giúp em là tại sao vậy? Anh có ý kiến gì không?”. Mình khéo léo mời người hôn phối của mình đi vào một cuộc pháp đàm để tìm hiểu sự thật là tại sao mình có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc mà lại không có hạnh phúc. Có nhiều người không được như mình. Họ đi kiếm một ngôi nhà như vậy mà không có. Họ không có được chiếc xe như chiếc xe của mình. Họ không có công ăn việc làm như mình. Mình có đủ hết tại sao mình không có hạnh phúc?
Hai vợ chồng phải để thì giờ để xét, để nhìn cho kỹ tình trạng của mình là tại sao mình đã có phương tiện đầy đủ như vậy mà không có hạnh phúc? Sự thật là khi ông mở tivi ra để coi, có thể là phim rất dở nhưng ông vẫn coi. Nếu ông tắt tivi đi thì ông không biết làm gì. Nói chuyện với bà thì không có hạnh phúc. Ngày xưa chỉ cần nhìn nhau là đủ hạnh phúc rồi, bây giờ nhìn nhau không thấy hạnh phúc nữa, thấy cái mặt muốn ghét. Ngày xưa thì nói “không có em làm sao anh sống nổi”, bây giờ có em sống hơi khó. Cho nên coi tivi không phải là mê tivi, mình muốn coi chỉ để khỏa lấp sự trống trải, những nỗi khổ niềm đau ở trong mình. Bà cũng vậy. Bà đọc tiểu thuyết, nghe nhạc hay lên mạng Internet không phải vì bà thích mấy chuyện đó. Bà có những nỗi khổ, niềm đau, sự trống trải, cô đơn nên bà đi tìm những cái khác để khỏa lấp. Cả ông cả bà đều làm giống hệt như nhau. Mình không biết cách nuôi dưỡng tình yêu, mình để cho tình yêu chết. Mình đã có những vụng về trong khi hành xử.
Quý vị đã đọc cuốn “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry chưa? Hoàng tử bé (Le petit prince) trong một tác phẩm khác của ông ta thì với nhan đề là “Cõi người ta” (Terre des homes). Ông có viết một câu: “Yêu nhau không phải ngồi đó để nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Câu nói này rất đúng và rất hay. Nghĩa là khi mình đã là người yêu của nhau, mình phải có chung một lý tưởng. Câu nói đó ý là như vậy. Tôi nghĩ rằng mình cũng có thể nhìn nhau được. Trước hết là mình nhìn nhau và thấy được vẻ đẹp của nhau. Nếu không đẹp thì mình cưới nhau làm gì. Anh là hoàng tử còn em là nàng công chúa của anh. Rất đẹp. Yêu nhau mình có quyền ngồi đó nhìn nhau, để xác nhận, để thưởng thức cái đẹp của người mình yêu. Đồng thời, khi nhìn nhau mình cũng nhìn thấy những nỗi khổ, niềm đau của nhau. Chúng ta không ai không có nỗi khổ, niềm đau. Có thể những nỗi khổ, niềm đau đó được bố mẹ hay ông bà trao truyền. Nhiều khi bận rộn quá nên mình không có thì giờ để lắng nghe và tìm hiểu những nỗi khổ niềm đau của mình. Khi thấy được nỗi khổ niềm đau của người kia thì tự nhiên tình thương và lòng từ bi của mình được phát sinh. Đây là điều mình học được trong đạo Bụt.
Khi đã tiếp xúc được với nỗi khổ niềm đau thì năng lượng từ bi phát khởi. Năng lượng của từ bi có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng. Khi nhìn người yêu không phải là chỉ nhìn thấy cái đẹp, cái lành của người yêu. Mình cũng thấy được những khó khăn, những nỗi khổ, niềm đau của người yêu. Mình muốn nói hay muốn làm một cái gì đó cho người yêu mình bớt khổ. Đó gọi là Bi. Từ có nghĩa là hiến tặng niềm vui còn Bi có nghĩa là làm vơi nỗi khổ. Từ là maitri, còn Bi là karuna. Tình yêu đích thực có Từ và có Bi. Từ là hiến tặng hạnh phúc và Bi là làm vơi nỗi khổ. Khi nhìn người yêu, mình công nhận sự có mặt quý giá của người yêu là mình hiến tặng niềm vui cho người đó. Khi mình nhìn thấy nỗi khổ, niềm đau của người yêu và mình nói một câu gì đó hay làm một việc gì đó để làm vơi bớt nỗi khổ, niềm đau thì đó gọi là Bi.
Trong đạo Bụt, giáo lý về thương yêu rất sâu, rất rõ. Hai yếu tố đầu là Từ và Bi. Khi nhìn nhau, mình không chỉ thấy những điểm tích cực của nhau mà mình còn thấy được những điểm tiêu cực, những nỗi khổ, niềm đau của nhau. Khi mình hiểu được những nỗi khổ, niềm đau đó thì mình càng thêm thương. Mình muốn làm cái gì để cho người yêu bớt khổ. Nếu mình không nhìn nhau thì mình đâu có thấy được nhau, mình không hiểu được. Khi không có hiểu thì không có thương.
Trong đạo Bụt, mình được học rất rõ là thương được làm bằng hiểu. Nếu anh không hiểu thì anh không thương được. Nếu cha mà không hiểu con thì không thể nào thương con. Phải hiểu, phải thấy được những khó khăn, những đau khổ của con thì mới thương được. Nếu không thì chỉ có la rầy và đánh mắng. Con cũng vậy. Con mà muốn thương cha thì phải thấy được những khó khăn, bức xúc, nỗi khổ và niềm đau của cha thì mới thương cha được. Cho nên rất rõ là thương được làm bằng hiểu. Nếu quý vị không hiểu được những nỗi khổ, niềm đau, khó khăn của người kia thì đừng nói là tôi yêu anh hay tôi yêu em. Không thể thương được nếu mình chưa hiểu. Quý vị có thể hỏi người kia như thế này: “Này em, em có nghĩ rằng anh đã hiểu được em hay chưa? Nếu anh chưa hiểu được em thì em giúp anh đi. Nói cho anh nghe những nỗi khổ, niềm đau của em.” Đó là tu.
Mình thương con thì mình phải hiểu được những nỗi khổ niềm đau của con. Nếu cứ tiếp tục rầy la, trừng phạt thì đó không phải là thương. Mình yêu người bạn hôn phối của mình thì mình phải lắng nghe, phải tìm hiểu những nỗi khổ, niềm đau, những khó khăn của người đó và luôn luôn phải hỏi. Có thể là mình chưa hiểu được chính nỗi khổ niềm đau của mình thì làm sao mình hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia. Cho nên phải có sự truyền thông, phải có sự trao đổi thường trực để có thể hiểu nhau. Khi có hiểu thì mới có thương. Vậy cho nên thương nhau mình có thể ngồi nhìn nhau được chứ, miễn là đừng ngồi suốt ngày mà thôi!
Khi nói "nhìn về một hướng" tức là hai người đồng tâm đồng chí với nhau. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Đó là cùng nhìn về một hướng. Trong trường hợp này thì bà với ông cùng nhìn về một hướng, nhưng hướng này là hướng tivi. Nhìn về một hướng để cho đỡ khổ. Vì mình không nhìn nhau được cho nên mình phải đồng ý với nhau nhìn về hướng tivi cho bớt khổ. Đó là một bi kịch.
Khi chúng ta nhìn nhau và thấy không có hạnh phúc cho nên chúng ta phải cùng nhìn về hướng tivi cho bớt khổ. Những lúc như vậy thì bà hãy hướng về ông, bà hỏi: “Anh ơi, anh tắt giùm em cái tivi đi. Em có chuyện quan trọng muốn hỏi anh.” Ông tắt tivi đi và xoay lại thì bà bắt đầu hỏi câu hỏi đó: “Này anh, anh có biết tại sao mà tụi mình có đủ hết: nhà có, xe có, công ăn việc làm có, cái gì cũng có đủ mà tại sao mình không có hạnh phúc không?” Và nếu hai người ngồi đó mà nhìn cho kỹ thì sẽ tìm ra nguyên nhân. Tại chúng ta đã không biết cách nuôi dưỡng tình yêu. Chúng ta đã gây ra những nỗi khổ niềm đau cho nhau tại vì chúng ta không hiểu được những nỗi khổ niềm đau của nhau.
Khi hai vợ chồng không thương nhau, không hiểu nhau thì làm sao dạy được các con? Ở giữa hai thế hệ có một khoảng cách. Nhất là khi mình sinh sống ở một đất nước lạ với nền văn hóa khác. Các con của mình đã đi vào trong xã hội Tây phương và học được những thói quen của người Tây phương. Cách sống của người Tây phương có những điều hay nhưng cũng có những cái dở. Mình thuộc về một văn hóa khác, con mình thuộc về một văn hóa khác, do đó cho nên sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn. Ông bà có thì giờ để ngồi chơi với các con không? Mình là người trẻ mình có bao giờ hỏi bố: “Bố ơi, hồi còn bé bố chơi cái gì? Bố kể cho con nghe đi” . Là bố, hồi còn bé những trò chơi ngày xưa của mình như thế nào thì mình kể cho các con của mình nghe. Bây giờ các con của mình nó chơi những trò chơi rất khác những trò chơi của mình ngày xưa. Hai cha con bàn với nhau như vậy, kể cho nhau nghe những trò chơi như vậy của hai thế hệ. Cái đó rất đẹp.
Bố có thể trao truyền cho con những trò chơi rất đơn giản nhưng đem lại nhiều niềm vui. Mẹ cũng vậy. Ngày xưa, mẹ có những trò chơi rất đơn giản mà cũng có rất nhiều hạnh phúc. Mẹ không chơi những trò electronic games như con. Nếu hai mẹ con bàn với nhau và trao đổi được với nhau như vậy thì rất tốt. Từ từ khoảng cách giữa hai nền văn hóa sẽ được thâu ngắn lại. Khi có thời gian thì mẹ hãy hỏi con: “Ở trường tụi con sinh hoạt như thế nào? Tụi con chơi như thế nào? Con thích cái gì? Con không thích cái gì?” Nếu ông bà không có thì giờ để ngồi với con trai, con gái, để hỏi chuyện các con, để hiểu được những khó khăn, nỗi khổ niềm đau của nó thì làm sao có được sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái? Đừng tưởng rằng các con còn trẻ, nó không có vấn đề. Không có. Tuổi trẻ bây giờ có rất nhiều vấn đề. Nó cũng có nỗi khổ, niềm đau của nó. Vậy nên sự truyền thông giữa cha với mẹ, giữa cha mẹ và con cái là chuyện rất quan trọng. Nếu quý vị bận rộn quá, chỉ lo đi tìm những tiện nghi vật chất thì quý vị sẽ không làm được việc đó. Hạnh phúc của mình không chỉ do vật chất mà có.
Ở Làng Mai chúng tôi sống rất đơn giản. Không ai có tiền lương, không ai có nhà riêng, có xe riêng. Cái gì cũng chung hết. So với sự sống của những người cư sĩ thì chúng tôi tiêu thụ rất ít. Chúng tôi ăn chay và chúng tôi trồng rau lấy một phần. Tuy nhiên chúng tôi có thì giờ để ngồi với nhau, để nói chuyện với nhau, để than thở với nhau, để nói với nhau về những nỗi khổ niềm đau của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sự truyền thông rất quan trọng. Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi không có hạnh phúc, không có đoàn kết, không có tình huynh đệ thì chúng tôi không nên đi mở những khóa tu. Vì mình không có hạnh phúc thì làm sao mà mình mở khóa tu, giúp cho người khác họ có hạnh phúc?
Vì vậy cho nên tôi nghĩ là chúng ta phải sắp đặt trở lại cách sống của chúng ta. Nếu cần thì chúng ta làm việc ít lại, không cần phải có đồng vào đồng ra thật nhiều thì mới có hạnh phúc. Sống đơn giản lại. Chuyện sống đơn giản chúng tôi làm được. Sống đơn giản như vậy nhưng mà hạnh phúc rất lớn. Nhất là khi mình thấy người ta tới tu học, người ta chuyển hóa, người ta hòa giải với nhau thì mình hạnh phúc lắm, thấy đời sống của mình có ý nghĩa. Tôi mong rằng quý vị sẽ sắp đặt lại cách sống của quý vị. Hai vợ chồng có thể ngồi lại và bàn tới những chuyện ngoài những chuyện tiện nghi vật chất và tình cảm thông thường. “Anh ơi, trong đời, hồi anh còn trẻ anh có những ước mơ nào? Nói cho em nghe đi. Chúng mình có thể làm chung được không? Chúng mình có thể thực hiện được không hay là chúng mình phải nhờ các con làm cho mình?”. Nếu chúng ta có thì giờ để bàn tới những cái gọi là ultimate concerns như vậy thì rất hay. Và các con, các con phải có thì giờ để hỏi bố mẹ: “Bố mẹ ơi, bố mẹ có giấc mơ nào mà bố mẹ chưa thực hiện được không? Bố mẹ muốn các con thực hiện giấc mơ của bố mẹ hay không?”. Đó là những cái rất là đẹp.
Khóa tu mùa hè năm nay có một thiền sinh từ Hà Tĩnh tới. Cô ấy được nghe tôi giảng lần đầu tiên tại khách sạn Melia ở Hà Nội và cô ta đã tới tham dự khóa tu mùa hè tại Làng Mai. Sau khi nghe tôi nói đề tài này thì cô hỏi: “Thầy ơi, thầy có giấc mơ nào mà thầy chưa thực hiện được không? Chúng con sẽ thực hiện cho thầy.” Cô muốn áp dụng liền ngay lập tức giáo lý vừa mới được học. Tôi trả lời như thế này: “Cám ơn con. Thầy có một sự may mắn là thầy chưa bao giờ đánh mất liên lạc với tuổi trẻ. Tuy rằng 30 năm nay thầy không dùng điện thoại”. Điều đó là sự thật. Tôi không dùng điện thoại 30 năm nay, vậy mà liên hệ của tôi với thế hệ trẻ không bao giờ bị đứt đoạn. Tôi có rất nhiều đệ tử trẻ, tuổi 12, 13, 15, 20, 25, 30. Rất trẻ. Đừng tưởng rằng phải có telephone, phải có email thì mới có liên lạc. Không cần. Mình phải có khả năng lắng nghe, phải có khả năng hiểu thì tự nhiên có sự kết nối. Nó có cái connection. Tôi có thể ngồi chơi với những người trẻ, tôi có thể ngồi chơi với con nít. Với những người trẻ, những buổi ngồi chơi đó nuôi dưỡng cho mình và cho những người trẻ.
Chìa khóa ở chỗ là mình thực tập được sự lắng nghe. Mình thấy được những nỗi khổ niềm đau của người kia, dẫu người kia là một người đang còn rất trẻ. Tôi trả lời cho cô thiếu nữ từ Hà Tĩnh tới là: “Thầy có sự may mắn là chưa bao giờ đánh mất liên hệ với người trẻ. Và thầy có sự may mắn thứ hai là thầy đang thực hiện được giấc mơ của thầy mỗi ngày. Giấc mơ của thầy rất đơn sơ. Hồi 9 tuổi, lần đầu tiên Thầy thấy một bức hình, hình của Đức Thế Tôn ngồi trên một bãi cỏ ở bìa của một tờ báo tạp chí Phật Học. Đức Thế Tôn ngồi trên cỏ nhưng Ngài ngồi một cách thoải mái, rất an lạc. Bức họa đó gây cảm hứng cho Thầy. Tự nhiên cậu bé nhỏ xíu nghĩ rằng: bây giờ mình làm thế nào để được giống như người này, ngồi rất thoải mái, rất an lạc. Và ý muốn đi tu để trở thành một người như vậy đã manh nha ở nơi cậu bé. Lớn lên Thầy đọc lịch sử và thấy đời Lý, đời Trần, những triều đại mà đất nước của mình có nhiều hạnh phúc, các vị Vua đều biết tu tập. Vua Lý và Vua Trần đều tu tập rất giỏi. Sử gia Hoàng Xuân Hãn nói rằng đời Lý, đời Trần là những đời thuận từ và hòa bình nhất trong lịch sử Việt Nam. Vua tôi thương nhau và trong nước đồng một lòng.
Chúng ta hãy nhớ lại thời mà Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai của mình là Trần Anh Tông và đi xuất gia trên núi Yên Tử. Thời đó Phật giáo Việt Nam rất thịnh hành. Vua cha thì trở thành người xuất gia tu ở trên núi, chăm sóc về khía cạnh tâm linh của đất nước. Vua con thì ngồi trên ngai vàng để chăm sóc về phương diện chính trị. Đạo đức và chính trị đi đôi với nhau và hồi đó đất nước rất mạnh. Hồi đó nước mình vừa đánh tan được sự xâm chiếm của phương Bắc.
Giấc mơ của thầy là làm sao tu để giúp làm mới cho Đạo Bụt. Đạo Bụt hồi đó rất cũ và xưa, còn nhiều mê tín, dị đoan. Giấc mơ của thầy là làm sao tạo ra một Đạo Bụt mới, phù hợp với người trẻ và người trí thức. Hiện tại bây giờ mình đang có một Đạo Bụt, một pháp môn tu tập thích hợp với tuổi trẻ. Đạo Bụt đó đem ra để giảng dạy và áp dụng ở Âu Châu và ở Mỹ Châu. Người trẻ tuổi và người trí thức theo học rất đông. Khi đem về Á Châu, Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì tuổi trẻ, người trí thức cũng theo học rất đông. Như vậy là giấc mơ của thầy đã thành công. Thầy thấy rằng ngày nào cũng được làm những việc mình thích làm thì đâu còn ước mơ gì hơn nữa. Mỗi ngày mình thấy ước mơ của mình đang được thực hiện và nếu con muốn thì con có thể nối tiếp chí nguyện đó của thầy. Tức là nuôi dưỡng chí nguyện đó, đem đạo Bụt mới này ra để giúp chuyển hóa xã hội ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
Nói tóm lại là mình đừng bị bận rộn quá vì những lo toan, vì những nhu yếu về tiện nghi, vật chất. Mình phải thay đổi cách sống. Mình có thể tiêu thụ ít hơn nhưng mình có thì giờ nhiều hơn để chăm sóc cho nhau, để tái lập truyền thông với nhau, để hòa giải với nhau và để chăm sóc con cháu. Như vậy thì hạnh phúc mới có thật và mình mới có thể trao truyền những gì tốt đẹp của mình cho con cháu. Như tôi thấy, nếu mình có từ bi, nếu mình có hạnh phúc, nếu mình có giải thoát, nếu mình có an lạc thì mình trao truyền lại những cái đó cho thế hệ tới. Đó là cái quý nhất. Đó là thành tựu giấc mơ lớn nhất của đời mình.
Tôi thấy các loài thảo mộc cũng làm như vậy, các loài động vật cũng làm như vậy. Mỗi thế hệ động vật, mỗi thế hệ thực vật đều có những kinh nghiệm và nó trao truyền những kinh nghiệm đó qua gen cho những thế hệ sau. Mình cũng vậy. Nhờ sự tu học, nhờ những kinh nghiệm mà mình chế tác được nhiều tình thương, nhiều sự hiểu biết, nhiều hạnh phúc, hỷ và lạc. Đó là những cái rất quý và mình có thể trao truyền lại cho con cháu của mình để con cháu sẽ trao truyền lại cho con cháu của chúng. Trao truyền lại cho con cháu gia tài và vật chất, điều đó không quan trọng. Khi mình trao truyền lại cho con cháu nếp sống đẹp trong đó có hạnh phúc, có từ bi, có hiểu biết, có tình yêu thì đó mới là cái quý giá nhất.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Theo http://langmai.org/
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!